BẠN ĐÃ HIỂU ĐÚNG VỀ TÚI TỰ HUỶ SINH HỌC CHƯA?

Ngày nay việc lựa chọn “túi tự hủy sinh học” để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa ngày càng được nhiều người hưởng ứng. Tại một số quốc gia, việc sử dụng “túi tự hủy sinh học” đã trở thành một phong trào mạnh mẽ dần thay đổi thói quen trong việc thay thế túi nilon bằng túi thân thiện với môi trường.

Vậy làm sao có thể hiểu đúng và hiểu đủ về loại túi này? Hay bạn biết gì về loại túi này?

1. Túi tự huỷ sinh học là gì?

Trên thị trường ngày nay, có nhiều loại túi được gắn mác là: Túi tự hủy sinh học, túi tự hủy, túi tự tiêu hủy, túi sinh học tự phân hủy, túi sinh học tự hủy, bao đựng tự hủy, túi bóng tự hủy, bao bì tự hủy sinh học, túi tự hủy thân thiện môi trường…. Những loại túi này thường được quảng cáo là sẽ hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường và có khả năng tự phân hủy.

nylon sinh hoc
Túi tự hủy sinh học
Vậy nó có thực sự là "tự huỷ" không? Có tốt cho môi trường không?

Câu trả lời là KHÔNG. KHÔNG có loại túi nào có thể tự hủy được và KHÔNG phải cứ là túi có chứa từ “sinh học” thì có nghĩa là sẽ tốt cho môi trường. Về bản chất không có vật liệu nào có khả năng tự mình phân huỷ. Để phân hủy được chúng buộc phải có sự tác động từ các yếu tố ngoại cảnh như: vi sinh vật, các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ ẩm, xúc tác và đặc biệt là ánh sáng. Các yếu tố này sẽ làm thay đổi cấu trúc bền vững của vật liệu và khiến chúng bị phân huỷ. Do đó nếu dùng từ “tự huỷ” để đặt tên cho sản phẩm là không chính xác. Để làm rõ được vấn đề này ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu 3 khái niệm sau:

  • Sự phân huỷ sinh học: Là quá trình chuyển hoá các phân tử thành các chất vô cơ như CO2, H2O và sinh khối dưới tác động của vi sinh vật.
  • Túi sinh học: Là túi được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc từ tự nhiên như: bột ngô, khoai, sắn… . Loại túi này có thể phân huỷ sinh học hoặc không. Các loại túi sinh học không phân hủy sinh học về bản chất không hề khác với túi nilon truyền thống.
  • Túi phân huỷ sinh học: Lcà loại túi được làm từ nguyên liệu gốc tự nhiên như PLA, PHA hoặc gốc dầu mỏ như PBS, PCL, PBAT… Tuy nhiên chúng có khả năng phân huỷ sinh học thành CO2, H2O và sinh khối chỉ trong thời gian ngắn. Khác với túi nilon truyền thống, túi sinh học được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên như tinh bột ngô, khoai, sắn… Nguồn nguyên liệu này có khả năng tái tạo nên sẽ giảm bớt việc phụ thuộc vào nguồn hóa thạch đang cạn kiệt dần.
    Qua trinh phan huy sinh hoc
    Quá trình phân hủy sinh học của túi
    Và dựa vào khả năng phân hủy sinh học của túi mà người ta chia túi sinh học thành 2 loại:
  • Túi sinh học có khả năng phân hủy sinh học: Túi làm từ PLA, PHA…
  • Túi sinh học không có khả năng phân hủy sinh học: Túi làm từ biobased PE (HDPLE, LDPE), PET, PP…

Như vậy, để thật sự tốt cho môi trường bạn hãy chú ý tìm mua những sản phẩm túi sinh học có khả năng phân hủy sinh học.

2. Ưu điểm của túi sinh học phân hủy sinh học

Túi sinh học được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với túi nilon truyền thống. Cụ thể:

  1. An toàn cho sức khoẻ: Túi được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên giúp con người giảm thiểu được nguy cơ bị phơi nhiễm các chất độc hại như: BPA, phthalates. Ngoài để xử lý túi tự nhiên phân hủy sinh học hoàn toàn sẽ không cần đốt, chỉ cần chôn ủ nên không tạo ra các khí độc hại gây ung thư và dị tật bẩm sinh như dioxin, furan.
  2. Thân thiện với môi trường: Túi sinh học phân huỷ hoàn toàn có thể phân huỷ hoàn toàn thành các chất vô cơ và sinh khối mà không tồn dư chất độc hại nào trong môi trường. Hơn nữa, lượng sinh khối tạo ra có thể dùng để sản xuất phân sinh học bón cho cây trồng giúp tái tạo lại hệ sinh thái xanh.
  3. Thời gian phân huỷ nhanh chóng: Các loại túi này trong điều kiện hợp lí sẽ có thời gian phân huỷ rất ngắn, chỉ khoảng vài tháng đến một, vài năm. So với thời gian 100 – 500 năm của các loại túi nilon truyền thống thì thời gian này ngắn hơn nhiều.

    3. Kinh nghiệm chọn mua túi sinh học phân hủy hoàn toàn

    Để chọn mua được đúng loại túi thân thiện với môi trường – túi sinh học phân hủy hoàn toàn, hãy dựa trên 1 số tiêu chí sau:

    1. Cảm quan sản phẩm

    Cảm quan hay cảm nhận trực quan là kinh nghiệm đầu tiên bạn có thể lưu ý làm theo:

    • Sờ, ngửi: Túi sinh học phân huỷ sinh học thường sẽ mịn, xốp, lớp màng mỏng và không được phong phú về màu sắc. Nếu ngửi kỹ sẽ thấy có mùi của tinh bột.
    • Đốt: Trong trường hợp bạn đã mua về nhà cũng có thể thử túi bằng cách đốt cháy. Nếu thấy sản phẩm dễ cháy và không có mùi lạ thì là túi sinh học phân huỷ hoàn toàn. Ngược lại, nếu thấy túi bị sun lại và có mùi khét thì đó là túi không phân huỷ sinh học hoàn toàn.

      2. Trong trường hợp không thể cảm quan được sản phẩm, phải đọc kỹ thông tin trên bao bì

      Để tránh mua phải các sản phẩm gắn mác là túi tự huỷ sinh học, túi sinh học phân huỷ… nhưng thực tế không đúng như quảng cáo thì bạn cần đọc kỹ bảng thành phần trước khi mua.

    • Không nên: Không nên mua những loại túi mà trong bảng thành phần vẫn có chứa các loại nhựa không phân huỷ sinh học được như PP, PE, HDPE, LDPE…
    • Nên: Trong bảng thành phần có chứa các ký hiệu như PLA, PBAT, PHA, PCL… Nếu sản phẩm có các chứng chỉ sau đây bạn có thể yên tâm lựa chọn:
    • TUV OK compost INDUSTRIAL: Sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học trong điều kiện tự ủ công nghiệp.
    • TUV OK compost HOME: Sản phẩm có khả năng phân hủy sinh học trong điều kiện tự ủ tại nhà
    • (BPI) Biodegradable Product Institute Compostable: Sản phẩm có thể phân hủy an toàn trong điều kiện ủ công nghiệp riêng.
    • DIN CERTCO compostable: Sản phẩm thể phân hủy sinh học trong điều kiện công nghiệp
    • TUV OK biodegradable SOIL: Sản phẩm sẽ phân hủy chỉ cần chôn dưới đất.
    • TUV OK biodegradable WATER: Sản phẩm sẽ phân hủy trong nước.